Chùa Tuyên Linh từ lâu đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh lý tưởng để người dân địa phương cũng như khách du lịch Bến Tre tới hành hương, vãn cảnh, gửi gắm những ước nguyện, cầu mong cho mọi sự bình an và may mắn. Chùa Tuyên Linh nổi tiếng không chỉ là một trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh Bến Tre mà còn bởi bề dày lịch sử Cách mạng. Nơi đây gắn liền với Tổ Khánh Hòa – một vị cao tăng của Phật giáo Nam Bộ, một nhà sư uyên thâm Phật pháp và là lá cờ đầu trong phong trào Chấn hưng Phật giáo nước nhà nửa đầu thế kỷ XX. Đặc biệt ngôi cổ tự này còn diễn ra cuộc hội ngộ giữa Hòa thượng Khánh Hòa với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Hồ Chủ tịch.
Vị trí chùa Tuyên Linh
Chùa Tuyên Linh tọa lạc tại ấp Tân Thới Đông B, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Phía trước chùa là rạch Tân Hương chạy ngang, tạo nên một phong cảnh hữu tình, hài hòa, gắn ngôi chùa với không gian miệt vườn lẫn thiên nhiên, sông nước.
Lịch sử Chùa
Chùa Tuyên Linh được xây dựng từ năm Tân Dậu (1861), dưới triều Tự Đức thứ 14. Ban đầu, chùa có tên là Tiên Linh, ý gọi cô Sầm – người bị cọp vồ là Tiên, không dám gọi là Tinh, để hàm ý ngôi chùa mang tên cô gái linh thiêng.
Chùa Tuyên Linh được coi là một trong những trung tâm phật giáo của tỉnh Bến Tre. Trụ trì đầu tiên của chùa là hòa thượng Khánh Phong. Năm 1907, nhà sư Lê Khánh Hòa, pháp danh là Thích Như Trí, quê ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, vốn là một vị cao tăng tinh thông phật học, về trụ trì tại chùa này. Tại đây, hòa thượng Lê Khánh Hòa đã mở mang việc thuyết giảng giáo lý nhà Phật, đào tạo môn sinh. Nhờ hiểu rộng, đi nhiều nơi, có vốn nho học, lại biết cả chữ quốc ngữ, nên ông được tín đồ, các cư sĩ Phật giáo tín nhiệm. Hòa Thượng là người sáng lập ra Nam Kỳ Phật học hội và Lưỡng Xuyên Phật học hội quy tụ nhiều cao tăng, cư sĩ Phật giáo ở Nam Kỳ lúc bấy giờ, đồng thời là chủ bút tạp chí Từ bi âm, giám đốc Phật học tùng thư.
Chùa Tuyên Linh còn là một ngôi chùa có bề dày truyền thống Cách Mạng. Thời kháng chiến chống Pháp, đây là một là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã động viên các nhà sư và tín đồ Phật giáo trong tỉnh tham gia vào các hoạt động cách mạng và kháng chiến. Năm 1947, trên giường bệnh, ông đọc lời di ngôn cho môn đồ chép lại, căn dặn học trò thân tín vận động tín đồ tích cực tham gia kháng chiến, tin tưởng vào Chính phủ Cụ Hồ, cùng đồng bào cả nước đấu tranh giành độc lập. Trong những năm trước Đồng khởi, trong thế kìm kẹp khắc nghiệt của Mỹ, Diệm, vùng Tân Hương – Minh Đức, nơi có chùa Tuyên Linh , vẫn là một trong những nơi có phong trào Cách mạng phát triển mạnh mẽ nhất của tỉnh Bến Tre. Các cơ quan Huyện ủy Mỏ Cày và Tỉnh ủy Bến Tre đã từng trú đóng tại chùa Tuyên Linh dưới sự giúp đỡ, che giấy của nhân dân và tín đồ đạo Phật giáo trong thời gian hoạt động Cách mạng.
Đặc biệt, vào khoảng cuối năm 1920, lần đầu tiên cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã cùng một vị cao tăng của chùa Từ Đàm ở Huế ghé lại và tá túc tại chùa Tuyên Linh một thời gian. Cụ Phó bảng được sự bảo bọc, giúp đỡ của Hòa thượng trong thời gian lưu trú tại chùa. Cụ đã mở lớp dạy học, xem mạch, bốc thuốc cho nhân dân trong vùng. Tuy thời gian ở đây không lâu, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã có mối quan hệ với các ông Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn, Lê Văn Phát. Nhiều người trong số này về sau trở thành lớp Đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Bến Tre. Theo một số thông tin, năm 1930, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đổi tên chùa thành Tuyên Linh theo gợi ý của cụ Phó bảng; trong đó “Tuyên” có nghĩa là “Tuyên truyền”.
Ngày 20/07/1994, Chùa Tuyên Linh đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
Ngoài những lệ cúng trong năm, vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (19/5), một lễ hội văn hóa với quy mô lớn được tổ chức tại chùa Tuyên Linh.
Kiến trúc Chùa
Thuở sơ khai chùa được xây dựng bằng các vật liệu tre, lá. Trải qua nhiều lần tu sửa và trùng tu, tổng diện tích khuôn viên hiện tại của chùa vào khoảng 9.000m2.
Trước cổng chùa là một tấm bia ghi lại nội dung “Nơi đây năm 1927, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã đến đây gặp sư cụ trụ trì Lê Khánh Hòa để đàm đạo, mở lớp dạy phật tử, bốc thuốc giúp đồng bào nghèo”. Tấm bia bản gốc này hiện đã hư hỏng nặng nên nhà chùa đã cho xây dựng một tấm bia khác bằng đá quý màu trắng đặt bên trái chánh điện, cạnh tòa tháp là nơi chôn cất hòa thượng trụ trì.
Ngôi chính điện đã xây dựng xong rất hoành tráng từ sự chung tay đóng góp của phật tử khắp nơi. Chính điện chùa có ba gian, phía trên là nóc tháp 4 tầng và có đắp nổi Lưỡng long tranh châu. Trong chính điện, bên trái có đại hồng chung và bàn thờ Tiêu Diện Đại Sĩ. Bên phải là đại cổ, chung bản và bàn thờ Vi Đà Hộ pháp. Bàn thờ chính tại chính điện gồm: Ở giữa là Phật Thích Ca, hai bên là bàn thờ Địa Tạng Vương Bồ tát và bàn thờ Quán Thế Âm Bồ tát.
Phía sau chính điện là nhà Tổ. Như thế, chùa Tuyên Linh có kiến trúc “tiền Phật hậu Tổ” – đây là kiểu dáng đặc trưng của các chùa miền Nam.
Tại nhà Tổ của chùa, ở giữa có bàn thờ Sơ Tổ Thiền tông Bồ đề Đạt Ma cùng với long vị, di ảnh Tổ sư Khánh Hòa. Bên trái thờ linh vị anh hùng liệt sĩ, bên phải thờ linh vị các Phật tử có đóng góp xây dựng chùa qua các thời kì. Đặc biệt, tại nhà Tổ còn có treo hai bảng khắc gỗ chữ Hán, nội dung là ghi tên những Phật tử đã hiến cúng tịnh tài, tịnh vật để xây chùa và sơ đồ đất.
Phía sau nhà Tổ là giảng đường, cả hai nối với nhau bằng sân thiên tĩnh. Ở gian giữa của giảng đường, phía trước có bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp đến là bàn thờ Chuẩn Đề Vương Bồ tát, cuối cùng là nơi thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc khá trang nghiêm. Đặc biệt, tại bàn thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc có di ảnh của cụ và Tổ Khánh Hòa. Giải thích cho cách bố trí này, Hòa thượng trụ trì chùa Tuyên Linh – Thích Giác Mãn cho biết: “Vì hai cụ là bạn tâm giao nên được phối thờ chung”5. Ngoài ra, trên tường còn có treo Bằng Công nhận nơi thờ tự văn minh và Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc
Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc khánh thành đưa vào sử dụng vào ngày 15-12-2020 nằm trong khuôn viên chùa Tuyên Linh. Các hạng mục xây dựng bao gồm: Đền thờ Bác Hồ, sân tổ chức lễ hội, sân đường nội bộ, nhà trưng bày, tiếp khách, … Nguồn từ ngân sách tỉnh và vận động xã hội hóa. Công trình được xây dựng với ý nghĩa giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau; phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Chính vì vậy nếu có dịp đi du lịch Miền Tây, nhớ ghé thăm chùa Tuyên Linh ở Bến Tre bạn nhé. Điểm đến này để lại cho bạn nhiều ấn tượng sâu sắc về tinh thần đấu tranh quật khởi của các sư, quân và dân ta. Ngoài ra còn hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong bối cảnh đất nước những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Để Lại Một Bình Luận